Lịch sử Continental (hãng đĩa)

Hãng dĩa Continental được doanh nhân Huỳnh Văn Tứ và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thành lập vào năm 1960 tại Sài Gòn. Ông Huỳnh Văn Tứ giữ chức vụ Giám đốc sản xuất, còn Nguyễn Văn Đông giữ chức vụ Giám đốc nghệ thuật. Những năm đầu hãng chỉ phát hành dĩa tân nhạc, tuy nhiên từ năm 1966 hãng thay đổi chủ trương sang phát triển song song hai bộ môn tân nhạc và cổ nhạc.[1] [2] Về tân nhạc, hãng phát hành băng dĩa thể loại nhạc vàngtình khúc 1954-1975. Trong cổ nhạc, hãng sản xuất các chương trình cải lương và tân cổ giao duyên. Tính đến năm 1972, hãng có mạng lưới đại lý khắp 44 tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.[3]

Nhằm hiện thực hóa chủ trương nêu trên nhưng vốn là người sáng tác bên tân nhạc, Nguyễn Văn Đông đã chủ động học hỏi cổ nhạc soạn giả Hoàng Khâm, các danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ, Hai Thơm,...để cộng tác cùng các soạn giả cải lương. Công ty đã phát hành trên 50 tuồng cải lương kinh điển như Đoạn tuyệt, Mắt em là bể oan cừu, Mưa rừng, Nửa đời hương phấn, Sân khấu về khuya, Tiếng hạc trong trăng,...,[4][2] đồng thời với hàng trăm chương trình tân cổ giao duyên.[note 1] Hãng sử dụng máy móc tân kỳ, âm thanh hay nên dĩa tân cổ giao duyên bán chạy. Nghệ sĩ Thanh Nga cộng tác từ 1966, thu âm rất nhiều sản phẩm, đơn cử bản "Tình thơ mộng" (tân nhạc Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc, vọng cổ Nguyễn Liêu) trong dĩa C.167-466-33 được đón nhận nồng nhiệt.[5] Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Văn Đông cũng công nhận rằng cổ nhạc "nuôi" tân nhạc.[6]

Thời kỳ đầu hãng Continental chuyên ghi âm, phát hành dĩa nhạc dành cho máy hát, về sau lại khuếch trương hình thức băng magnetophon[note 2] (thời này còn gọi đơn giản là "băng lớn") và băng cassette. Bước chuyển này nằm trong chiến lược thích ứng với thị hiếu thính giả từ đầu thập niên 1970, vì lúc đó công nghệ thu âm băng nhạc từ nước ngoài tràn vào Việt Nam làm sa sút nghiêm trọng thị trường dĩa nhựa Sài Gòn. Băng nhựa có đặc điểm âm thanh hay hơn, lời ca rõ hơn so với dĩa nhựa, nên Continental cũng không tránh được sự cạnh tranh từ các sản phẩm băng nhựa nhãn hiệu Trường Sơn, Thanh Thúy,...[7] Bằng hình thức ghi âm mới mẻ này, công ty Continental đã phát hành nhiều băng tân nhạc theo chủ đề cũng như băng cổ nhạc, đồng thời ra mắt thêm nhãn băng Premier.

Nhờ bàn tay của hãng Continental, một số ca sĩ như Giao Linh hay cặp song ca Thanh Tuyền - Chế Linh đã thành danh, đến được với đông đảo thính giả.[8][9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Continental (hãng đĩa) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp... https://tvtsonline.com.au/van-nghe/nghe-si-viet-na... https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43514556 https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/hang-dia-hat-c... https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/hang... https://www.nguoinam.com/phpbb/viewtopic.php?t=174 https://nvnorthwest.com/2016/10/hoi-ky-tu-nhac-si-... https://t-van.net/hoai-nam-nhung-ca-khuc-nhac-ngoa... https://web.archive.org/web/20100106020225/http://... https://web.archive.org/web/20220826035324/https:/...